Bấm đầu ngón tay, Phương chột dạ: "Mình là F4 rồi". Vớ vội chiếc điện thoại, Phương gọi cho em gái và em rể đang sống cách mình 3 km để báo hủy bữa cơm trưa truyền thống của gia đình mỗi dịp 8/3. Chị chính thức đóng cửa, tự ở nhà cách ly.
Con gái chị Phương gửi về ông bà ngoại ở Thanh Hoá đã ba tuần nay. Vì bận công việc và sửa sang căn chung cư mới mua nên suốt thời gian con ở quê, vợ chồng chị chưa về thăm. Định tuần này về, song vì Hà Nội có dịch chị đành hoãn kế hoạch: "Mình mà về quê lúc này người ta lại mắng cho vì ở vùng dịch lại dám di chuyển".
Sáng nay, ông ngoại gọi ra cho 5 con gái và con dâu ngoài Hà Nội trấn an: "Thôi, ở yên tại chỗ. Cần tiếp tế gì bố mẹ sẽ gửi ra".
Một số người dân di chuyển khỏi khu Trúc Bạch đêm 6/3. Ảnh: Giang Huy. |
Người Hà Nội những ngày này đề cao cảnh giác ngay cả với những mối liên hệ mỏng manh nhất. Suốt đêm 6/3, chị Nguyễn Thanh Thảo ở Trung Văn bất an khi biết người yêu của cô bạn cùng phòng ngày nào cũng qua chơi ở phố Trúc Bạch, con phố có nhà của "bệnh nhân 17".
Sáng hôm sau, Thanh Thảo yên tâm hơn khi biết anh chàng kia không thuộc khu vực phong toả và cũng cam kết sẽ cách ly 14 ngày tại nhà. Chị vẫn cẩn thận đề phòng, dành bốn tiếng dọn dẹp nhà cửa, sau đó tự cách ly. "Tôi hủy kế hoạch về Hải Dương cuối tuần này. Những buổi hẹn cà phê và chụp ảnh hoa sưa cũng hoãn lại hết", Thanh Thảo nói.
Hai hôm nay, Thảo hầu như chỉ ở trong phòng, ngoài một lần ra siêu thị mua gạo vì nhà đã hết. Tủ lạnh sẵn trứng, thịt, lạc đủ dùng cho một tuần nên cô giáo trẻ không chút lo lắng về vấn đề thực phẩm.
Thanh Thảo sống tại một khu chung cư lớn tại Tố Hữu - con đường có mật độ chung cư cao nhất Hà Nội. Trong cộng đồng, mọi thứ ở bề mặt vẫn diễn ra bình thường, hàng ngày người già vẫn xuống trồng rau và trẻ con chơi ở sân. Chỉ có sự khác biệt là ai nấy đều đeo khẩu trang, trước cửa thang máy để nước rửa tay và cư dân không cần quẹt thẻ. "Làm vậy để đỡ tạo thêm vật trung gian cho virus", cô giáo trẻ giải thích.
Cũng giống như chị Phương và Thanh Thảo, chị Trần Phương Nga, chủ một tiệm ảnh cưới tin rằng "Không di chuyển là một cách để bảo vệ mình và gia đình Công ty dịch thuật Sài Gòn 247 Blog của mình". Từ trước Tết, Nga đã đặt vé cho năm người trong gia đình đi du lịch Malaysia vào giữa tháng 3 để kỷ niệm 40 năm ngày cưới của bố mẹ.
Nhưng từ sau trường hợp "bệnh nhân 17", Nga sợ mang bệnh về nhà. "Thà mất tiền còn hơn trở thành mầm gieo rắc bệnh tật", cô gái 25 tuổi nói. Quyết định của Nga nhận được ủng hộ của nhiều người thân. Chị họ của Nga trước đó để con ở lại Việt Nam, thay vì quay trở về Singapore - nơi chồng và gia đình chồng đang sinh sống, dù mất hàng nghìn đôla tiền học phí.
"Làm được điều nhỏ nhoi này cũng là đỡ cực cho những người đang phải thức đêm, thức hôm, phải ngủ trong rừng để chống dịch", Nga chia sẻ về quyết định không rời Hà Nội. Công việc chính là lên kế hoạch cho ngày trọng đại của nhiều người, nhưng những ngày này, Nga hạn chế tiếp xúc với khách hàng. Việc tư vấn, lên kế hoạch cho các đám cưới chủ yếu được thực hiện qua mạng. Việc kinh doanh "cầm chừng", theo lời Nga.
Trước tình trạng một bộ phận người dân tích trữ thực phẩm, Bí thư thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã kêu gọi không tích trữ, để tránh lây lan virus. Hà Nội không lo thiếu thực phẩm. Ảnh: Giang Huy. |
Ngay từ ngày 7/3, làn sóng kêu gọi mọi người bình tĩnh và tuân thủ các nguyên tắc chống dịch xuất hiện trên trang Facebook của nhiều người Hà Nội. Chính nhờ từ "trấn tĩnh" lặp lại ba lần trong bài viết của một người bạn, lòng chị Khánh Huyền, 30 tuổi, ở Hoàng Mai đang rối bời liền dịu lại. Trước đó, khi nghe tin có "bệnh nhân 17" dương tính với nCoV ở Hà Nội, chị không thể chợp mắt và còn định sáng thứ bảy sẽ đi mua thực phẩm về dự trữ, hai mẹ con đóng cửa, chơi với nhau trong căn hộ gần 90 m2.
Chị Huyền có một đứa con sức đề kháng yếu, ra vào viện như cơm bữa nên luôn thấy nóng ruột từ lúc có dịch. Tại nhà chị thực hiện triệt để những khuyến cáo của Bộ Y tế: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế đến chỗ đông người. Mỗi ngày hai lần sáng tối chị đều pha nước muối súc miệng cho cả nhà. Trước và sau bữa ăn, chị luôn đun một nồi nước sôi tráng bát đũa.
Dịch bệnh ở một khía cạnh lại tác động tích cực đến gia đình chị Hải Yến ở Mỹ Đình. Từ lúc Việt Nam xuất hiện bệnh nhân nCov đầu tiên chị đã chuẩn bị cơm trưa cho cả hai vợ chồng mang đi. Buổi trưa thay vì la cà hàng quán như đồng nghiệp, chị ngồi trong văn phòng thưởng thức đồ ăn tự nấu và chợp mắt mươi phút..
Hộp cơm của chị Hải Yến ngày đi làm 6/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Thông qua một trang báo tiếng Trung, Hải Yến đã học được một kinh nghiệm hay từ tâm dịch Vũ Hán, là khi ra khỏi cửa phải mang theo hai túi khăn giấy khô và ướt. Khi chạm vào nắm khoá cửa, bấm nút thang máy... phải sử dụng khăn giấy khô để thao tác, không chạm tay trực tiếp.
"Khi về đến cửa nhà, dùng khăn giấy ướt hoặc dùng nước rửa tay làm sạch tay trước. Sau đó treo áo khoác ngoài ban công và dùng máy sấy tóc để sấy hoặc phơi dưới ánh sáng mặt trời", chị chia sẻ. Hơn một tháng nay, 4 người trong gia đình chị đều làm như vậy và cảm thấy rất an tâm.
"Không cần đợi nhà nước khuyến cáo, đã đến lúc chúng ta tự nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất cho chính bản thân mình và cộng đồng từ những việc nhỏ nhất", chị Yến nói thêm.
Phan Dương - Trang Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét