Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Tôi chấp nhận đóng cửa vì cộng đồng

(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Tôi kinh doanh ngành dịch vụ spa làm đẹp. Do đặc điểm của ngành nghề, chúng tôi không thể bán hàng online được và bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Chính vì thế, giữa tháng ba, tôi đã đóng cửa hàng ngay khi bắt đầu có bệnh nhân thứ 40, vì tôi thấy tình trạng khách nước ngoài về nước Biên phiên dịch khá đông. Nếu không may sơ sẩy, chính khách hàng cũng không biết mình nhiễm (do Covid-19 có thời gian ủ bệnh dài) thì chính chúng tôi là người thiệt đầu tiên. Nên cho dù đau lòng, tôi vẫn quyết định đóng cửa mùa dịch bệnh.

Lúc đầu, tôi khá hụt hẫng khi ngày mới không có tiếng điện thoại đặt lịch của khách, không có những tin nhắn của nhân viên báo cáo công việc, không có những buổi tối ngồi tổng kết doanh thu cuối ngày. Rồi cả những lo lắng chuyện tiền nhà, chi phí cố định vẫn phải duy trì khi đóng cửa... Đối với những người làm kinh doanh như chúng tôi, đóng cửa đồng nghĩa với doanh thu là 0 đồng, vì không thể chuyển hướng sang dịch vụ online được.

Đau xót nhìn "đứa con tinh thần" của mình còi cọc, mong manh, không chống chịu được với bão táp cuộc sống, cộng thêm việc mất tiền, mất tinh thần, rồi tâm lý hoảng loạn mỗi khi đọc báo chí, xem tivi thấy tình hình dịch bệnh của thế giới ngày càng căng thẳng, tôi không khỏi lo lắng. Trước đây, có một người anh nói với tôi rằng "một doanh nghiệp trẻ cần ít nhất ba năm mới biết được có thể tồn tại trên thị trường hay không". Giờ đây, tôi mới lập nghiệp được 2,5 năm thì đã "ngắc ngoải" vì Covid-19.

Tôi bắt đầu dành thời gian nhiều tuần để nghiên cứu về digital marketing, đẩy các kênh quảng cáo, có khách hàng để lại số điện thoại nhưng cũng không dám gọi điện cho khách vì gọi xong cũng không cung cấp dịch vụ được. Rồi mày mò nghiên cứu cái này, cái kia - những phần việc trước đây tôi nghĩ sẽ đi thuê bên ngoài thì giờ tôi học cách tự làm. Tôi cũng nghiên cứu về thị trường, sản phẩm dịch vụ và hiểu thêm về kinh doanh, về thị trường, về marketing.

Trong quá trình tĩnh tâm để nhìn lại, tôi có vào một số diễn đàn để giao lưu học hỏi. Có khá nhiều người trong diễn đàn kinh doanh kiểu cơ hội, họ bảo tôi chi ngân sách ít cho marketing, họ kể câu chuyện thành công của họ là mùa Covid-19 vẫn đông tấp nập, họ bảo tôi thiếu kiến thức và giới thiệu tôi gói dịch vụ của họ. Có bạn còn mời tôi mua máy móc, mua sản phẩm dịch vụ với dẫn chứng "mùa Covid-19 nhưng nhà vẫn ấm". Tôi chỉ cười trừ và từ chối nhẹ nhàng. Vì tôi hiểu mùa dịch bệnh này không phải là thời gian chi tiền đi học hành nọ kia, rồi tìm biện pháp tăng marketing hay mua hàng. Chiến lược thời khủng hoảng dịch bệnh này chỉ có cách duy nhất là cắt lỗ, giảm chi phí tối đa có thể.

Tôi nhận ra giai đoạn này, tôi cần bình tĩnh và tĩnh tâm hết sức, mất cũng mất rồi; còn người, còn sức khỏe, còn làm lại được. Trên thế giới, còn nhiều người không còn cơ hội để làm lại nữa, và tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Đến hôm nay, Chính phủ có những biện pháp quyết liệt hơn, tôi cũng đã làm quen dần với cảm giác bình yên nhẹ nhàng, chấp nhận mất mát, nỗi đau bình thản, giống như chấp nhận một Hà Nội vắng vẻ bình yên đến lạ thứ mà mấy chục năm nay chưa bao giờ có, kể cả ngày Tết.

Hóa ra, qua mỗi điểm shock là một điểm cân bằng mới, lúc đầu tưởng khó chấp nhận nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi. Hóa ra, những thứ mà ta tưởng mất mát đôi khi là thói quen khó từ bỏ mà thôi, chứ không phải không từ bỏ được.

Chia sẻ bài viết, video, ảnh chủ đề 'Tôi ở nhà' tại đây .

Peacock Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét