Đức là sinh viên năm ba ngành Kinh tế gia đình, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Đây là năm đầu tiên em ở lại TP HCM làm thêm qua Tết, không về quê Đồng Nai. "Mỗi ngày em làm 12 tiếng, bắt đầu từ 7h, nhận lương 230.000 đồng, được bao cơm trưa", Đức vừa nói, vừa tưới cây, ngắt những chiếc lá úa.
Trần Xuân Đức tưới vườn cây cảnh trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) trưa 20/1. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Hoàn thành học kỳ I hơn 10 ngày trước, Đức lên mạng tìm việc làm qua Tết thì thấy cô chủ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) đăng tin. Thỏa thuận được tiền lương, Đức đi làm ngay sáng hôm sau.
Công việc nhiều, bưng bê hoa từ xe tải xuống, tưới hoa, ngắt lá, tư vấn cho khách... Đức chia sẻ, mấy ngày đầu chưa quen nên khá mệt, nhưng bây giờ thì thuần thục rồi. Có điều trời nắng quá khiến da em đen xạm.
Là con thứ ba trong gia đình sáu anh em ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), bố mẹ làm rẫy nên không mấy dư dả. Đức thường xuyên làm thêm hỗ trợ gia đình, năm học vừa qua việc học kín lịch nên Đức phải nghỉ. Dịp Tết được nghỉ học, em mới có thời gian làm thêm kiếm tiền sinh hoạt, không phải xin bố mẹ.
"Mọi năm, giờ này ở nhà đông đủ anh chị em rồi. Mỗi người một tay phụ việc, người bán hàng tạp hóa, người làm vườn, người dọn nhà đón Tết. Giờ em còn ở đây cảm thấy nôn nao lắm", Đức chia sẻ. Em sẽ làm hết ngày 30 Tết rồi sau đó về nhà đón giao thừa cùng gia đình.
Tại hàng chục điểm bán hoa dọc đường Phạm Văn Đồng, nhiều sinh viên đại học, cao đẳng đang chăm sóc hoa, cây cảnh, nhặt lá mai thuê. Họ chủ yếu quê ở gần TP HCM như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ kết thúc công việc vào tối 30 Tết để kịp về nhà đón năm mới Canh Tý.
Không may mắn như họ, Nguyễn Quốc Trung (21 tuổi, quê thị xã An Nhơn, Bình Định) sẽ đón cái Tết thứ hai xa quê. Là sinh viên ngành Thú y (Đại học Nông lâm TP HCM), Trung nhận chăm sóc gia súc, gia cầm thuê. Năm ngoái, Trung đón giao thừa trong trại lợn ở Bình Phước, năm nay sẽ là trại gà ở huyện Củ Chi (TP HCM).
Trung là con út trong gia đình bảy anh em, hoàn cảnh khó khăn. Học phí ở trường không quá cao, cùng với tiền nhà, điện nước mỗi tháng chỉ 700.000 đồng nhưng cũng là gánh nặng với cha mẹ làm nông.
Hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, trong năm Trung xin làm thêm tại các xưởng đóng gói để không phải xin tiền sinh hoạt. Làm thêm dịp Tết này, Trung quyết "gom" đủ tiền học phí cho kỳ sau. "Có đi làm mới quý trọng đồng tiền mà cha mẹ vất vả làm ra và thêm trưởng thành. Em ham làm nhưng không bỏ bê việc học, các môn vẫn hoàn thành đều", Trung nói.
Nguyễn Quốc Trung nhận quà từ Thành Đoàn TP HCM dành cho sinh viên đón Tết xa quê. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Nhớ lại Tết Kỷ Hợi, chàng sinh viên ngành Thú y kể trong trại nuôi lợn có nhiều bạn đồng môn ở lại làm thêm nên phần nào vơi đi nỗi buồn. Giao thừa vẫn có bánh, mứt, nhưng họ không được rời vị trí công việc. "Khoảnh khắc giao thừa là buồn nhất, rất nhớ cha mẹ, gia đình", Trung kể.
Mùng 7 Tết - ngày cuối đợt làm thêm, trại nhập về hơn 1.000 con lợn giống, Trung và nhóm bạn được giao việc tiêm văcxin. Hoàn thành công việc, phân lợn dính đầy người, bốc mùi hôi nhưng tiếng cười nói rôm rả, bởi ai cũng nhận được 8-10 triệu đồng tiền công.
Dự định tương lai, Trung nói sẽ làm việc ở TP HCM sau khi nhận bằng Bác sĩ thú y cuối năm sau. Sau khi có được chút vốn liếng làm ăn và đủ chăm lo cho cha mẹ, cậu sẽ về quê tự mở trang trại hay trạm thú y riêng.
Là sinh viên Điều dưỡng nên nữ sinh năm ba Đại học Y dược TP HCM Trần Thị Quỳnh Trang chọn làm thêm xuyên Tết ở bệnh viện. Trang bắt đầu công việc từ 25 tháng chạp Trung tâm dịch thuật đến mùng 5 Tết với tiền công 500.000 đồng mỗi ngày.
Quê ở Quảng Ngãi, ba mẹ không quá vất vả để con đi làm thêm qua Tết, nhưng Trang vẫn quyết tâm ở lại, bởi công việc này vừa tự kiếm được tiền, vừa có thêm kinh nghiệm cho công việc sau này. "Hai mươi mấy năm ăn Tết với ba mẹ rồi, năm nay em thử trải nghiệm một năm ở Sài Gòn ra sao", Trang nói rồi kể về cái lạnh ở quê dịp Tết, cảnh cả gia đình sum họp gói bánh cùng nhau.
Nhóm bạn quê Quảng Ngãi của Trang năm nay có đến 4-5 người ở lại Sài Gòn làm thêm. Mỗi người một trường đại học, nhưng cùng chung một mục đích "thử cái Tết đầu tiên xa quê".
Đại diện các trung tâm hỗ trợ sinh viên, giới thiệu việc làm cho hay, nhu cầu tìm việc xuyên Tết tăng vọt trong nhiều tuần qua. Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp Đại học Công nghệ TP HCM đã liên hệ với các doanh nghiệp để có hơn 1.000 đầu việc giới thiệu cho sinh viên.
Trong khi đó, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên (Thành Đoàn TP HCM) vận động hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp, giới thiệu hơn 3.000 việc làm Tết cho sinh viên. Công việc thu hút nhiều sinh viên dịp Tết là thu ngân, quản lý kho, gói quà, phục vụ tại siêu thị, giữ xe, phụ việc nhà, dọn vườn. Mức thu nhập bình quân từ 19.000 đến 50.000 đồng mỗi giờ, tùy theo khối lượng, thời điểm làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét