Kế hoạch một tuần tự lập của mẹ con chị Thu Thủy ở Hà Đông đã thất bại khi vừa bước sang ngày thứ hai dù chị đã chuẩn bị mọi thứ tưởng như chu toàn nhất. Ngày nhận thông báo học sinh toàn thành phố nghỉ học từ 3/2 đến 9/2 để phòng dịch nCoV, chị có định đưa con đến cơ quan, nhưng sợ nhiễm bệnh nên đành để con gái đang học lớp 2 ở nhà.
"Nhà chỉ có hai mẹ con, người nhà ở xa quá nên cũng ngại nhờ vả. Cháu tự lập từ nhỏ nên tôi quyết định cho ở nhà một mình, chuẩn bị sẵn cơm nước để cháu tự ăn uống, sinh hoạt", chị Thủy kể.
Trước khi ra khỏi nhà, chị ngắt điện tất cả các thiết bị, chỉ để lại camera giám sát. Đến cơ quan, qua di động chị biết con làm gì, thậm chí mẹ con vẫn nói chuyện với nhau. Cả ngày, cô con gái chỉ quanh quẩn đọc sách, chơi đồ hàng, chán thì đi ngủ. Tuy nhiên sang ngày thứ hai, mãi không thấy con dậy, gọi qua camera không được, chị tức tốc phi xe về nhà.
"Cháu bị sốt cao do viêm họng cấp nên mê man, may là mẹ về kịp, nếu không biết thế nào", chị Thủy nói. Hôm sau, chị quyết định xin nghỉ đến hết tuần. "Đi làm cũng phải thường xuyên theo dõi con qua điện thoại, thấp thỏm không yên, công việc chẳng đâu vào đâu", bà mẹ trẻ than thở.
Dù có thời gian chăm con, nhưng chị Trần Hương Thảo ở Cầu Giấy lại luôn miệng than vãn về hai cậu con trai cách nhau một tuổi. Đứa con thứ hai mới vào lớp một đọc chưa sõi, nhân mấy ngày nghỉ, chị cùng con ngồi ôn bài, nhưng được vài phút thằng anh lại ra rủ rê, phá đám. Đến trưa, hai anh em trốn ngủ đá bóng tại sàn chung cư.
Trước giờ bọn trẻ nhà chị Thảo thường xuống sân chung cư hoặc ra công viên gần đó chơi, nhưng đang dịch bệnh nên chị dặn con không được đến nơi công cộng. "Ở nhà chúng như bị cùm chân, khó bảo lắm", chị chép miệng nói, tay vẫn nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. "Tôi chỉ mong dịch đi qua để các con được quay lại trường. Ở nhà phải mở YouTube lên thì chúng mới ngồi yên. Giờ mới thấy các cô giáo giỏi cỡ nào".
Hai con nhà chị Lệ Huyền tự chơi với nhau trò pokemon, phần thưởng dành cho người chiến thắng là 3 chiếc bánh gạo từ Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khác với chị Thảo và chị Liên, nhiều phụ huynh lại coi đây là dịp các con có thời gian vui chơi nhiều hơn, bố mẹ cũng có cơ hội để gần gũi với trẻ hơn.
Hai bé Thái Huy (8 tuổi) và Nhật Anh (5 tuổi) - con trai và con gái dịch thuật chị Đào Lệ Huyền (Đống Đa) – luôn bày đủ trò để chơi với nhau.
"Trưa hôm qua, mẹ ra ngoài có chút việc, quay trở lại đã thấy hai anh em lôi bộ bài pokemon ra chơi với nhau, ai thắng nhận được 3 cái bánh gạo thừa lại từ Tết. Nhìn anh em chúng chăm chú chơi mà buồn cười. Trẻ con đúng là siêu nhân, cái gì cũng có thể biến thành trò chơi được", chị Huyền tủm tỉm.
Ngoài trò chơi tự sáng tạo, hai con nhà chị Huyền còn được mẹ dạy những trò truyền thống như ô ăn quan được làm từ bìa cacton và những miếng ghép lego. Nhật Anh còn lấy mẹ làm người mẫu để chơi trò trang điểm, làm tóc. Để tránh các con nhàm chán, chị Huyền còn bày các trò chơi khác như thả bánh quy lên mặt rồi dùng cơ mồm kéo xuống, rơi trúng mồm thì được ăn.
Tránh để con quanh quẩn trong nhà, sau giờ nghỉ trưa hai bé nhà chị Huyền được bố hoặc mẹ đưa ra công viên chơi khoảng một giờ đồng hồ với khẩu trang y tế đầy đủ. Tối cả nhà lại quây quần để học tiếng Anh qua một app chuyên dành cho thiếu nhi 30 phút rồi chơi cờ vua cùng bố.
Mỗi khi hai anh em xảy ra mâu thuẫn, chị Huyền để con tự giải quyết. Câu thần chú mà chị dạy các con khi cần giảng hòa là "Em ơi nín đi đã có anh ở đây rồi", khiến hai đứa trẻ nhà chị không giận nhau được lâu. "Trẻ con dễ dụ, chỉ cần nói câu đó là hai anh em lại cười toét với nhau. Bởi vậy, tôi thấy ở nhà chăm con mùa dịch cũng không vất vả như nhiều người kêu than", chị Huyền nói.
Ngay từ khi còn nhỏ, hai bé nhà chị Đức Hạnh đã được mẹ cho chơi trò nhuộm gạo - một trò chơi rèn luyện đa giác quan mà cả hai bé đều rất thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cũng vui vẻ như nhà chị Huyền, hai bé nhà chị Đỗ Đức Hạnh - Nguyễn Phi Long (6 tuổi) và Nguyễn Phi Yến (3 tuổi) - cũng được mẹ bày cho đủ trò khi được nghỉ ở nhà tránh dịch. Chị Hạnh cho hay, hai bé rất thích chơi trò nhuộm màu cho gạo để chơi các trò như đổ vào chai làm xúc xắc hoặc tạo hình chữ, con số...
"Thông qua trò chơi các bé sẽ nhận biết được màu sắc, chỉ tên các màu và đọc được các màu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Vừa chơi mà vừa học luôn", chị Hạnh chia sẻ.
Ngoài nhuộm gạo, bà mẹ hai con cũng nghĩ ra các trò chơi dân gian khác như ô ăn quan, cá ngựa, trốn tìm hoặc lấy chăn lấy ghế dựng lều cho bọn trẻ mang thú bông và đồ chơi chui ra chui vào. Bạn lớn còn được học nấu mì, rán trứng, giúp mẹ nhặt rau, lau dọn sàn nhà, bàn ghế, gấp quần áo.
Sau 3 ngày ở nhà chơi cùng con, chị Hạnh cảm thấy mệt nhưng vui. Chị cho rằng, bố mẹ bớt chút thời gian để chăm sóc cho con qua đợt dịch nguy hiểm này là việc cần thiết, nếu trước đây quá bận rộn ít quan tâm đến con thì đây là cơ hội để gắn bó với trẻ hơn.
"Tôi coi đây là một kỳ nghỉ đáng quý để bố mẹ có thể hiểu thêm sở thích cũng như tính cách của các con", chị nói.
Hải Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét